KHU DÂN CƯ KHU DÂN CƯ

VẺ VANG TRUYỀN THỐNG 79 NĂM NGÀNH VĂN HÓA THÔNG TIN (28/8/1945 - 28/8/2024)
Ngày đăng 27/08/2024 | 13:56  | Lượt xem: 66

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, trong Tuyên cáo của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Thông tin - Tuyên truyền được thành lập.

Theo đó, ngày 19/2/2016 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 258/QĐ-TTg quyết định lấy ngày 28/8 hằng năm là “ Ngày truyền thống ngành Thông tin và truyền thông”.
Theo dòng lịch sử, tháng 2/1943, tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng xác định, phải có đường lối lãnh đạo xây dựng nền tảng văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Hội nghị đã ban hành “Đề cương về văn hóa Việt Nam” nhằm góp phần thức tỉnh, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân và những người hoạt động văn hóa yêu nước vào Hội Văn hóa cứu quốc - một thành viên của Mặt trận Việt Minh, để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Đề cương văn hóa Việt Nam nêu rõ: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị và văn hóa)”. Như vậy, ngay từ những bước chuẩn bị đầu tiên cho bộ máy chính quyền mới “của dân, do dân và vì dân”, Đảng ta đã hết sức coi trọng vai trò của văn hóa, hướng đến định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam gắn liền với sứ mệnh cách mạng của dân tộc.
Nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự đoàn kết của đông đảo quần chúng nhân dân, cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thành công rực rỡ. Ngày 28/8/1945, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã quyết định thành lập nội các với 12 bộ, trong đó có Bộ Thông tin, Tuyên truyền (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Bộ trưởng đầu tiên là ông Trần Huy Liệu, đại diện cho Bộ ra mắt trước quốc dân tại Lễ Độc lập vào ngày 2/9/1945. Điều này cho thấy rằng, ngành Văn hóa Thông tin ngay từ khi nước nhà vừa mới ra đời, đã trở thành nơi tập hợp văn nghệ sĩ, những nhà hoạt động văn hóa cả nước góp công sức vào việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc và phát triển văn hóa mới, nền văn hóa do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và dày công đặt nền móng, tạo đà phát triển bền vững lâu dài đến ngày nay.
Trải qua lịch sử 79 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Văn hóa và Thông tin hoạt động với rất nhiều lĩnh vực và đã có những tên gọi khác nhau để phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng.
Theo đó, vào ngày 01/01/1946, Bộ Thông tin, Tuyên truyền đổi tên là Bộ Tuyên truyền và Cổ động. Đến ngày 13 tháng 5 năm 1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định ấn định hệ thống tổ chức thông tin, tuyên truyền trong cả nước là Nha Tổng giám đốc Thông tin, Tuyên truyền, dưới quyền chỉ huy và kiểm soát trực tiếp của Bộ Nội vụ. Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu kháng chiến lâu dài, ngày 27/11/1946, Hồ Chủ tịch ra Sắc lệnh số 224/SL, đổi tên Nha Tổng giám đốc Thông tin, Tuyên truyền thành Nha Thông tin.
5 năm sau đó, vào ngày 10/7/1951, Hồ Chủ tịch ký tiếp Sắc lệnh số 36/SL, chuyển Nha Thông tin từ Bộ Nội vụ sang Thủ tướng phủ quản lý. Đồng thời sau đó sáp nhập Nha Thông tin thuộc Thủ tướng phủ và Vụ Văn học, nghệ thuật thuộc Bộ Giáo dục thành Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thuộc Thủ tướng phủ, theo Sắc lệnh số 83/SL ngày 24/2/1952.
Sau Hiệp định Genève 1954, ở miền Bắc, Hội đồng Chính phủ thành lập Bộ Tuyên truyền trên nền tảng Nha Tuyên truyền và Văn nghệ, sau đó đổi tên Bộ Tuyên truyền thành Bộ Văn hóa vào ngày 20/9/1955 theo Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Song song đó, ở miền Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập Bộ Thông tin - Văn hóa vào ngày 6/6/1969. Hai Bộ ở hai miền hoạt động và lớn mạnh cho đến ngày sáp nhập sau khi đất nước thống nhất.
Tháng 6/1979, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập, Chính phủ tổ chức Bộ Văn hóa do Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu làm Bộ trưởng. Năm 1977, Tổng cục thông tin hợp nhất với Bộ Văn hóa thành Bộ Văn hóa và Thông tin theo Nghị quyết số 99/NQ/QHK6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và đến ngày 4/7/1981 đổi lại là Bộ Văn hóa theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VII. Kể từ đó đến nay, Bộ được nhiều lần tách, nhập và thay đổi tên như: Bộ Văn hóa, Bộ Thông tin, Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch, Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
79 năm hình thành và phát triển song hành cùng những giai đoạn thăng trầm của đất nước, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa - Thông tin đã đóng góp bao công sức, tâm huyết nhằm chung tay sát cánh cùng đồng bào đồng chí, có mặt ở khắp các mặt trận sốt hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc. Hàng ngàn cán bộ, văn nghệ sĩ của ngành văn hóa thông tin đã không quản ngại khó khăn gian khổ xông pha vào các tuyến đầu lửa đạn nhất để vừa chiến đấu, vừa thực tế sáng tác nhiều tác phẩm cổ vũ tinh thần của quân và dân ta. Trang sử vàng hào hùng anh dũng của thắng lợi cách mạng Việt Nam in đậm được tô đậm hơn với biết bao sự cống hiến quên mình, không mệt mỏi của hàng ngàn chiến sĩ văn hóa đã hy sinh anh dũng khi làm nhiệm vụ, vì sự nghiệp cách mạng của nhân dân.
Sau thắng lợi của cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nước nhà độc lập thống nhất, ngành Văn hóa - Thông tin tiếp tục nhận nhiệm vụ vẻ vang - xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Trong giai đoạn đất nước chuyển mình phát triển và đổi mới như hiện nay, các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa đã và đang không ngừng nỗ lực để đóng góp công sức vào việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội, đặc biệt là nhiệm vụ  “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998 của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa VIII) và “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” theo Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI). Kết quả thực hiện các Nghị quyết trên đã làm tiền đề cho sự phát triển cho nền văn hóa Việt Nam có được nhiều giá trị, diện mạo và sắc thái văn hóa mới, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học, đại chúng.
Ngày nay, văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần, là sức mạnh trường tồn của cả dân tộc. Chúng ta cảm thấy tự hào và vinh dự khi có được nền văn hóa Việt Nam 4.000 năm văn hiến rực rỡ, với những di sản vô giá, song thế hệ kế thừa cũng có trách nhiệm thừa kế, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa mà ông cha đã dày công vun đắp. Phát triển nền văn hóa dân tộc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và xây dựng con người Việt Nam là nhiệm vụ không chỉ trong một thời gian, một thời kỳ mà hằng ngày, hằng giờ, từng thời khắc và mãi mãi.
Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa - Thông tin (28/8/1945 - 28/8/2024), là dịp để các đồng chí cán bộ, công chức, người lao động ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cảm thấy tự hào và luôn vững tin, bền chí, yêu ngành, yêu nghề, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành cũng như góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.