KHU DÂN CƯ
Khi đã lập gia đình, việc khó nhất không phải chuyện xây nhà mà là biến ngôi nhà ấy thành mái ấm. Khó nhất không phải chuyện dựng vợ gả chồng mà là sau bữa tiệc cưới linh đình ấy, cả hai có thể sống hạnh phúc bên nhau được bao lâu. Nhiều người cứ ngỡ rằng, khi yêu nhau, khi coi nửa kia là tất cả thì chỉ cần ở bên nhau thì hạnh phúc tự khắc sẽ có.
Hôn nhân không hề đơn giản. Chỉ những ai bước vào rồi mới nhận thấy nó thực sự là một “cuộc chiến”. Kết hôn đơn giản lắm. Nếu có điều kiện thì mâm cao cỗ đầy, còn không có nhiều tiền thì một bữa tiệc ấm áp, giản đơn là đủ. Nhưng cuộc sống hiện tại, nhiều người vẫn ra sức tổ chức cho mình một đám cưới thật lớn, thật hoành tráng như để ngầm minh chứng cho thiên hạ thấy tình yêu và hạnh phúc của mình.
Thế nhưng:
Có một đám cưới thật linh đình, thật xa hoa chưa chắc vợ chồng đã có thể sống đi cạnh nhau đến suốt cuộc đời.
Trước khi cưới, ai cũng nghĩ rằng chỉ cần sống một nhà với người mình yêu, được ăn cơm cùng nhau, được làm mọi việc cùng nhau thì chẳng còn hạnh phúc nào bằng. Nhưng hôn nhân còn là nước mắt, còn là những tổn thương, những gánh nặng của mưu sinh, những giây phút cám dỗ ngoài vợ ngoài chồng. Mái ấm nhỏ tựa như con thuyền giữa dòng nước, nếu cả hai vợ chồng không đồng tâm, đồng lòng thì con thuyền ấy sớm muộn cũng sẽ chìm.
Cả vợ và chồng sẽ không còn là hình bóng hoàn hảo của những ngày yêu nhau. Mà thay vào đó là người bạn đời với nhiều thói hư tật xấu được lộ diện.
Để sống hạnh phúc với nhau thật sự rất khó. Cuộc đời ngoài kia có muôn vạn điều có thể làm tổn thương gia đình nhỏ bé của chúng ta. Cả vợ và chồng, cần có bản lĩnh, cần đủ tin tưởng, đủ bao dung, mới có thể đi qua năm tháng khó khăn và giữ được cái gọi là “Mái ấm gia đình”.
Gia đình là nơi dưỡng dục về thể chất, tinh thần, hình thành nhân cách cho mỗi con người trong xã hội. Từ trường học đầu tiên này, mỗi cá nhân được những người thầy thân yêu là cha mẹ, ông bà giáo dục kiến thức, kỹ năng sống để có thể thích ứng, hòa nhập vào đời sống cộng đồng. Nêu gương là cách giáo dục tốt nhất trong gia đình nên từ cách ứng xử giữa các thành viên gia đình (cha mẹ thương yêu chân thành, tôn trọng, giúp đỡ nhau; cha mẹ, ông bà vừa yêu quý, vừa nghiêm khắc và bao dung với con cháu), giữa gia đình với họ hàng, với láng giềng, với cộng đồng (trọng nhân nghĩa, làm điều thiện, sống chan hòa, ghét thói gian tham, điều giả dối), qua đó giúp con cháu tiếp thu một cách tự nhiên, nhẹ nhàng những bài học cuộc đời nhưng lại tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách.
Trong quá trình chuyển đổi từ truyền thống đến hiện đại, cùng với sự tiếp thu những giá trị mới, những xung đột về giá trị giữa truyền thống và hiện đại là khó tránh khỏi. Điều đó chắc chắn sẽ tác động nhất định đến sự phát triển không ổn định của gia đình, của các mối quan hệ trong gia đình. Bên cạnh ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo làm cho vai trò, trách nhiệm và mối quan hệ giới trong xã hội Việt Nam vẫn còn ít nhiều bị hạn chế, chẳng hạn hành vi gia trưởng, xu hướng hạ thấp vị trí của phụ nữ trong gia đình, không công nhận đầy đủ vai trò và đóng góp của phụ nữ, trọng con trai hơn con gái,… Sâu xa hơn là xung đột giữa “quyền lực truyền thống” của nam giới trong gia đình với sự bình đẳng giới, giữa quyền trẻ em và sự áp đặt của cha mẹ, giữa tự do sống chung không kết hôn, tự do tình dục với việc tuân thủ luật pháp, phong tục và đạo đức truyền thống v.v...
Văn hóa gia đình truyền thống có thể bị đánh mất những giá trị vốn có (hoặc tự phát bảo lưu theo quán tính những yếu tố lạc hậu) trong khi văn hóa gia đình hiện đại chưa được xác lập rõ nét, có nghĩa sự “quá độ” của văn hóa gia đình hiện nay gần như đồng nghĩa với sự “mất thăng bằng” hoặc “lung lay” của chính bản thân nó,đặc biệt là trong các mối quan hệ gia đình (vợ - chồng, cha - mẹ - con cái …). Ví dụ, xu hướng giảm sinh, già hóa dân số ở nước ta ngày càng nhanh, kết hợp sự thu hẹp quy mô theo hướng “hạt nhân hóa” gia đình cùng với sự phai nhạt những giá trị văn hóa gia đình truyền thống tất yếu dẫn đến nguy cơ người già rơi vào hoàn cảnh cô đơn, việc chăm sóc người già và cả trẻ em có thể sẽ gặp nhiều khó khăn…
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam chúc cho các gia đình thật nhiều niềm vui, mọi khó nhọc sẽ vơi bớt đi và tình cảm gia đình mình mãi mãi được hạnh phúc bền lâu.
Cho dù con có đi đâu, làm gì và gặp những khó khăn như thế nào, gia đình vẫn luôn là nơi để nhớ, để yêu thương và là chỗ dựa vững chắc cho cho mọi thành viên trong nhà!