TIN TỨC KHÁC TIN TỨC KHÁC

Dừng đỗ xe thế nào để không vi phạm luật giao thông và “có văn hóa”?
Publish date 16/08/2023 | 15:05  | Lượt xem: 233

Canh Nậu là một địa phương đất chật, người đông, đường làng ngõ xóm chật hẹp hơn nữa những năm trở lại đây kinh tế người dân phát triển, nhiều gia đình mua sắm được ô tô, xe máy đắt tiền làm phương tiện đi lại, phát triển kinh doanh. Trước tình hình đó, vấn đề dừng, đỗ xe đã gây bức xúc cho người dân xung quanh cũng như người tham gia giao thông.

Văn hóa dừng, đỗ xe nơi công cộng không phải là câu chuyện mới nhưng vẫn luôn gây tranh cãi trong cộng đồng. Có ý kiến cho rằng, nơi nào không cấm thì được dừng, đỗ xe; nhưng không ít ý kiến lại cho rằng, dù có nơi không cấm dừng, đỗ xe nhưng nếu người nào dừng, đỗ xe gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người khác cũng bị coi là có ý thức cộng đồng kém…

Tình trạng xe ô tô dừng đỗ trước cửa nhà bị người dân phản ứng bằng những lời lẽ, thái độ khiếm nhã, hành xử một cách thái quá, thậm chí có hành động phá hoại diễn ra ngày càng phổ biến. Hay tình trạng dừng đỗ xe máy dưới lòng lề đường gây cản trở giao thông đi lại. Rõ ràng, dừng đỗ một xe chỉ là chuyện nhỏ, nhưng sau đó có thể trở thành một chuyện lớn nếu chúng ta thiếu đi cách ứng xử phù hợp. 

Luật có cấm không? – Luật không cấm

Về luật, những nơi không có biển cấm dừng đỗ xe và không cản trở lối ra vào, thì mọi phương tiện có quyền dừng đỗ.

Tại khoản 4 điều 18 Luật giao thông đường bộ năm 2018 quy định, người điều khiển giao thông không được phép dừng/đỗ xe trong các trường hợp sau: 

Đỗ xe bên trái đường một chiều; Đỗ song song với một xe khác đang dừng/đỗ; Đỗ nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau; Đỗ tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; Đỗ tại nơi dừng của xe buýt; Vị trí đỗ làm che khuất biển báo hiệu đường bộ …

Ngoài ra, người điều khiển không được phép dừng/đỗ phương tiện trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm đường điện thoại/điện cao thế, chỗ dành cho xe chữa cháy lấy nước. Không dừng/đỗ phương tiện tại lòng đường, hè phố trái quy định.

Nếu phát hiện tài xế đỗ sai quy định, chủ nhà nên gọi điện cho CSGT để yêu cầu xử phạt. Tùy từng trường hợp cụ thể, người vi phạm sẽ bị phạt từ 300-400 ngàn đồng hoặc 600-800 ngàn đồng. 

Ngược lại, hành động đập phá xe người khác có thể được xét vào hành vi vi phạm hình sự tại điều 143 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2.000.000 – 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi tương tự hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

 

Phụ huynh học sinh đỗ xe gọn gàng chờ đón con tại cổng trường tiểu học

Nhưng cư xử với nhau thế nào để thể hiện văn hóa?

Vẫn biết việc đỗ xe dưới lòng đường là biện pháp bất đắc dĩ khi người điều khiển không thể tìm được điểm đỗ xe xung quanh. Thế nhưng, tài xế cần lựa chọn vị trí đỗ để không gây ách tắc giao thông, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Nếu có, hãy để lại số điện thoại liên lạc nhằm hạn chế những tối đa những tình huống đáng buồn khác. Hoặc chọn vị trí để đỗ gọn gàng lại tránh gây cản trở đối với người tham gia giao thông.

Đối với những chủ nhà bị ô tô đỗ chắn ngang cửa, việc cần làm là giữ thái độ bình tĩnh để đưa ra lời nhắc nhở lái xe. Tuyệt đối không nên có các hành vi cố ý hủy hoại tài sản, xúc phạm tài xế để tránh việc bị kiện ngược lại. 

Mọi chuyện đôi lúc tưởng rằng khó nhưng chỉ cần chúng ta cư xử có văn hóa, có ý thức với nhau thì sẽ luôn có hướng giải quyết tốt đẹp nhất. Và trong chuyện dừng, đỗ xe cũng vậy. Mọi người trong xã hội đều công bằng, đừng vì cái lợi của mình mà làm ảnh hưởng đến người khác.

Hơn ai hết, mỗi tài xế, chủ xe cần chủ động, có ý thức phòng tránh những xung đột do việc đỗ xe gây ra. Hiện nay, lượng xe ô tô đang gia tăng, chỗ dừng, đỗ xe ở đường làng, ngõ xóm trên địa bàn xã Canh Nậu bắt đầu trở thành vấn đề được quan tâm và dễ gây bức xúc khi dừng, đỗ lâu ở những khu dân cư đông đúc, những đoạn đường làng nhỏ hẹp. Do đó, khi dừng, đỗ xe, người lái xe nên để số điện thoại phía trước hoặc sau xe, để người khác có thể gọi báo khi cần di chuyển xe đi nơi khác, tránh tình trạng bức xúc hủy hoại tài sản của người có xe ô tô./.